Quẻ Thuần Khảm (hay Trùng Khảm, Tập Khảm) chỉ thời vận khó khăn, nhiều gian nan trắc trở, công việc khó thành. Cần đề phòng tai nạn, bệnh tật, ốm đau nặng. Không phải thời để hoàn thành sự nghiệp lớn, chỉ nên kiên trì bồi dưỡng sức lực, lòng tin, chờ thời. Tài vận không có, kinh doanh thua lỗ, thất bại, dễ bị lừa. Xuất hành không lợi. Thi cử khó khăn. Kiện tụng bị thua, nên hoà giải ngay từ đầu. Tình yêu và hôn nhân trắc trở, lắm kẻ dèm pha, khó tính, nhưng gặp được người đồng chí hướng thì dễ thành lương duyên gắn bó. Người có quẻ này, sinh vào tháng 10 là gặp cách phú quý thành đạt.
Quẻ Khốn chỉ thời vận xấu, cái tiêu cực chiếm ưu thế, cái tích cực bị lấn át, những người lương thiện khó sống, người quân tử bị bao vây, vô hiệu hoá, công danh sự nghiệp khó thành, phải kiên nhẫn chờ thời, phải lấy sự nhẫn nhục bên ngoài để ghì cái chí bên trong. Kinh doanh tài vận không đến. Công việc không gặp nhiều thuận lợi, nếu không may bị bệnh thì dễ hao tiền tốn của để chữa trị, nhưng sẽ qua khỏi. Tình yêu, hôn nhân gặp trắc trở, nhưng cuối cùng sẽ có hạnh phúc. Những người có quẻ này, sinh vào tháng năm là đạt cách, công danh phú quý, sự nghiệp có nhiều cơ may thành công.

A - Giải Thích Cổ Điển.
1) Toàn quẻ :
- Vật lý không thể quá mãi được, hễ quá rồi tất nhiên sụp vào hiểm. Do đó sau quẻ Đại Quá tiếp đến quẻ Khảm.
- Tượng hình bằng trên dưới đều Khảm, là hiểm nguy, vì mỗi quái hào dương bị hai hào âm vây. Tuy nhiên, dương ở chính giữa,là sẵn có lòng tín thực, tuy ở giữa hiểm mà vẫn giữ bền tín thực thì sẽ thoát khỏi hiểm.
2) Từng hào :
Sơ Lục : âm nhu lại ở dưới cùng, ví như người sụp hầm, càng vùng vẫy càng nguy. (Ví dụ Louis XVI đã bị cách mạng vây hãm, không biết phận còn mưu đồ tái lập quân quyền).
Cửu Nhị : dương cương đắc trung, ở thời Khảm cũng khó lòng tránh được nạn. Duy chỉ có cách tích luỹ thiện hạnh, tuy chưa ra khỏi được hiểm nhưng cũng không rơi xuống thêm sâu. (ví dụ thời Lê mạt kiêu binh làm loạn, tham tụng Bùi huy Bích không đủ tài trị loạn nhưng là người đôn hậu, ai cũng nể vì, nên qua cơn loạn mà thân danh đều toàn).
Lục Tam : bất trung bất chính, lại ở thế trên hiểm dưới hiểm, tất nguy. (Ví dụ Nguyễn hữu Chỉnh bị kẹt giữa Tây Sơn và sĩ phu Bắc hà, không biết tội cõng rắn cắn gà nhà, còn làm oai làm phước).
Lục Tứ : đắc chính lại gần Cửu Ngũ, tượng như bậc đại thần gần vua. Trong thời Khảm, không đủ sức dẹp loạn, nhưng vẫn giữ lòng thành thực và biết dùng quyền biến khéo léo, có thể có kết quả tốt. (Ví dụ Địch Nhân Kiệt khi Võ Hậu tiếm ngôi, vẫn ở tại chức, khéo vận động, nên sau khôi phục được nhà Đường).
Cửu Ngũ : ở vị chí tôn và dương cương, lại ở thời Khảm đã quá nửa. Có thể thoát khỏi hiểm và lập lại trật tự. (Ví dụ Trịnh Tùng, thừa hưởng cơ nghiệp của Trịnh Kiểm, đánh bại nhà Mạc)
Thượng Lục : ngu tối, lại ở lúc hiểm cực, tất nguy. (Ví dụ Mạc mậu Hợp khí thế nhà Mạc đã hết, còn say mê tửu sắc, nên bị Trịnh Tùng bắt giết).
B - Nhận Xét Bổ Túc.
1) Ý nghĩa quẻ Khảm :
Lời giải thích cổ điển rất rõ ràng, không có gì phải bàn thêm. Điều xấu, báo hiệu nguy hiểm trùng trùng, vừa ở ngoài vừa ở trong, như tình trạng nước Pháp năm 1793, nội loạn ở Vendée và ngoại xâm biên giới.
2) Bài học :
Tuy nhiên, thánh nhân cũng dậy cho ta biết cách thoát hiểm. Hai hào đắc trung là Nhị và Ngũ đều có tính cách dương cường, quang minh chính đại có khả năng thoát hiểm. Bằng cách nào? bằng sức mạnh của dòng nước chẩy siết không ngừng (khảm) tượng trưng cho lòng kiên trì giữ vững chính đạo, không ngại gian lao.
- Áp dụng vào việc dụng binh, ngay trong lúc bại trận, vẫn không nao núng vững tin ở thắng lợi cuối cùng. Đó là thái độ của Trấn thủ Độ với câu nói bất hủ: “Đầu tôi còn thì xã tắc còn, bệ hạ không lo”. Đó là thái độ của Dalton với câu trấn an Quốc Hội và nhân dân:”De l’audace, encore de l’audace, toujours de l’audace, et la France est sauvée “.
- Áp dụng vào địa hạt kinh tế, là trong lúc nền kinh tế suy sụp, các xí nghiệp lần lượt bị phá sản, vẫn không rối trí, tìm biện pháp thích nghi để cứu vãn tình thế, như tổng thống Roosevelt đã làm với chính sách New Deal sau cuộc đại khủng hoảng năm 1930.
- Áp dụng vào tình trạng người Việt lưu vong, sau khi bị tủi nhục về biến cố 1975 còn phải đối phó với bao nhiêu trở ngại ở nơi đất khách quê người: ngôn ngữ và phong tục bất đồng, kỳ thị chủng tộc, con cháu càng ngày càng quên gốc,v.v. ở trong cảnh đó nếu ta bói được quẻ Khảm cũng chẳng có chi làm lạ và đáng lo sợ. Trái lại, ta phải phấn chấn chiến đấu để một mặt thích ứng với cuộc sống mới, một mặt khác luôn luôn nhớ về nước cũ, và tích cực trong mọi hoạt động để cho công cuộc phục quốc được chóng thành công.
Đó là bài học quẻ Khảm, một bài học vô cùng phấn khởi khi người bói lâm vào một tình trạng nguy khốn, tưởng như vô phương cứu chữa.
KHẢM QUÁI: thuộc Thủy, gồm có 8 quái là:
Thuần Khảm - Thủy Trạch Tiết - Thủy Lôi Truân - Thủy Hỏa Ký Tế - Trạch Hỏa Cách - Lôi Hỏa Phong - Địa Hỏa Minh Di - Địa Thủy Sư.
Thiên Thời: Mưa - Mặt trăng - Tuyết - Sương mù.
Địa lý: Phương Bắc - Sông hồ - Khe rạch - Suối, giếng - Chỗ đất ẩm thấp (chỗ mương, rãnh, chỗ có nước lầy lội).
Nhân vật: Trưởng nam - Người giang hồ - Người ở ghe thuyền - Trộm cướp.
Nhân sự: Hiểm ác, thấp kém - Bề ngoài tỏ ra mềm mỏng - Bề trong dục lợi - Trôi dạt chẳng thành - Theo gió bẻ măng (hùa theo).
Thân thể: Tai - Huyết - Thận.
Thời tự: Mùa Đông, tháng 11 - Năm, tháng, ngày, giờ Tý - Tháng, ngày 1, 6.
Động vật: Heo - Cá - Vật ở trong nước.
Tịnh vật: Trái có nước - Vật có hơi - Vật uốn nắn như cái cung, niềng xe - Đồ đựng rượu, đựng nước.
Ốc xá: Ở về hướng Bắc - Ở gần nước - Nhà có gác gần nước - Nhà lầu ở gần sông - Hãng rượu, trà - Nhà ở chỗ ẩm thấp.
Gia trạch: Chẳng yên, ám muội - Phòng kẻ trộm.
Hôn nhân: Lợi gá hôn nhân với trung nam - Nên nhà rể ở phương Bắc - Chẳng lợi thành hôn - Chẳng nên gá hôn tháng Thìn, Tuất, Sửu Mùi.
Ẩm thực: Thịt heo - Rượu - Vị lạnh - Hải vị - Canh vị chua - Thức ăn cách đêm - Cá - Đồ ăn có huyết - Đồ ăn ngâm ướp - Vật ăn có hột - Vật ăn ở trong nước - Đồ ăn có nhiều xương.
Sinh sản: Nạn sản có hiểm - Thai con thứ thì tốt - Con trai thứ - Tháng Thìn, Tuất, Sửu, Mùi - Có tổn hại - Lâm sản nên hướng Bắc.
Cầu danh: Gian nan - Sợ có tai hãm - Nên nhận chức về Bắc phương - Chức coi việc cá, muối, sông, hồ - Rượu gồm có giấm.
Mưu vọng: Chẳng nên mưu vọng - Chẳng được thành tựu - Mùa Thu, Đông chiêm khá được, nên mưu.
Giao dịch: Thành giao chẳng có lợi - Đề phòng thất hãm - Nên giao dịch tại bến nước, ven nước - Nên buôn bán hàng cá, muối, rượi - Hoặc giao dịch với người ở ven nước.
Cầu lợi: Thất lợi - Tài nên thuộc về bến nước - Sợ có thất hãm - Nên cá muối có lợi - Lợi về hàng rượu - Phòng âm thất (phòng mất mát một cách mờ ám, hay đàn bà trộm của) - Phòng kẻ trộm.
Xuất hành: Không nên đi xa - Nên đi bằng thuyền - Nên đi về hướng Bắc - Phòng trộm - Phòng sự hiểm trở hãm hại.
Yết kiến: Khó gặp - Nên gặp người ở chốn giang hồ - Hoặc gặp được người có tên hay họ có bộ Thủy đứng bên.
Tật bệnh: Đau tai - Tâm tật - Cảm hàn - Thận bệnh - Dạ dày lạnh, thủy tả - Bệnh lạnh đau lâu khó chữa - Huyết bịnh.
Quan tụng: Bất lợi - Có âm hiểm - Có sự thất kiện khốn đốn - Thất hãm.
Phần mộ: Huyệt hướng Bắc tốt - Mộ ở gần ven nước - Chỗ chôn bất lợi.
Phương đạo: Phương Bắc.
Ngũ sắc: Đen.
Tính tự (Họ, Tên): Vũ âm (ngũ âm) - Người có tên họ có bọ Thủy đứng bên - Hàng vị 1, 6.
Số mục: 1, 6.
Ngũ vị: Mặn - Chua.
Phần Bát Quái Vạn Vật kể trên, sự việc còn rất nhiều chẳng chỉ có như vậy mà thôi. Vậy phép chiêm, nên noi theo sự việc mà suy từng loại vậy.

1) Toàn quẻ :
- Lên mãi tất khốn. Vậy tiếp theo quẻ Thăng là quẻ Khốn.
- Tượng hình bằng trên Đoài dưới Khảm, nước ở trạch chẩy xuống sông, phải cạn đi nên khốn. Hơn nữa, trong quẻ này các hào dương đều bị các hào âm vây hãm, nên khốn.
- Tuy vậy, đó là nói về tình cảnh, nhưng nói về đức hạnh thì khác. có vui, duyệt (Đoài) trong cảnh nguy (Khảm), nếu mình biết coi cảnh đó là một hòn đá thử vàng để tôi luyện cho đức hạnh được thêm vững bền, thì cứ nên vui.
- Ở thời Khốn, kẻ tiểu nhân dễ biến tâm hoặc chán đời. Duy chỉ bậc quân tử vẫn giữ được đạo trinh chính, nên kết quả được Cát.
2) Từng hào :
Sơ Lục : âm nhu, ở đáy quẻ Khốn, lại không được Cửu Tứ giúp đỡ vì Tứ bất trung bất chính. Nên sơ bị vướng mắc, không được ai cứu. (ví dụ Chiêm Vũ Hầu, thờ Trịnh Khải vô tài, nên bị kiêu binh loạn đao phân thây).
Cửu Nhị : dương cương đắc trung, là người tài đức. Ởthời Khốn tuy mình được giầu sang nhưng thấy thiên hạ khốn khổ cũng buồn lây. Bạo động thì hung, chờ thời thì vô cựu. (Ví dụ khi Pháp xâm lăng ta, Tuy Lý vương tọa thị thì giữ được giầu sang, còn Phan Đình Phùng khởi nghĩa thì khốn đốn, nhưng vẫn vui giữ được nghĩa lớn).
Lục Tam : âm nhu, lại bất trung bất chính, lại ở vị khảm chi cực. Tiến lên đụng phải Tứ như hòn đá, lùi xuống vấp phải Nhị như gai góc: hung. (Ví dụ Nguyễn Văn Tường, bị thiên hạ khinh bỉ và Pháp cũng không dong, đem đi đầy).
Cửu Tứ : dương hào cư âm vị, bất chính bất trung. Muốn ứng với Sơ Lục nhưng bị Cửu Nhị ngăn cách, nên tự thương thân và thẹn. Nhưng nếu tứ cố gắng thì cuối cùng Sơ cũng sẽ giúp đỡ được Tứ và kéo ra khỏi hiểm. (Ví dụ hoàng thân Lê Duy Mật. Muốn ứng với vua Lê nhưng bị chúa Trịnh ngăn cách. Vì trung nghĩa nên được một số nghĩa sĩ hưởng ứng, giữ được Trấn Ninh vài chục năm).
Cửu Ngũ : là vị chí tôn. ở thời Khốn, trên bị Thượng Lục đè ép, dưới bị Cửu Tứ lộng hành, nên không làm được gì. Nhưng Ngũ là người cương trung, cứ giữ lòng chí thành thì sẽ được phúc. (Ví dụ Lê Hiển tông ở giữa cảnh khốn, nào kiêu binh nào chúa Trịnh, nào Tây sơn, mà vẫn giữ được lộc vị).
Thượng Lục : ở thời Khốn chi cực, tất nhiên bị khốn. Nhưng cùng tắc biến, nếu Thượng biết hối quá, xét lại cách cư xử của mình chưa đúng đạo mà sửa đổi đi thì chắc được Cát. (Ví dụ Chiêu Thống không hiểu lẽ đó như tổ phụ Hiển Tông, nên bị khốn, lần lượt bị Trịnh Lệ, Trịnh Bồng, Nguyễn Hữu Chỉnh chèn ép, rồi mời quân thanh sang tái lập hư vị, nên mới ngậm hờn ở Trung Quốc. Trái lại Nguyễn Ánh cũng bị khốn đốn vì Tây Sơn, nhưng biết tự cường, chiêu tập binh sĩ, khéo dụng binh, nên sau thống nhất được đất nước)
B - Nhận Xét Bổ Túc.
1) Ý nghĩa quẻ Khốn :
Thượng quái Đoài có 1 âm trên 2 dương; hạ quái thì hào dương bị vây giữa 2 hào âm; và toàn quẻ thì quái âm đè lên trên quái dương: rõ rệt là thời quân tử bị khốn.
2) Bài học :
Tuy nhiên, đó là xét về vận mệnh. Nhưng xét về tâm lý, thì người ở cảnh khốn vẫn có thể vui vẻ điềm tĩnh (Đoài) chấp nhận số phận hẩm hiu mà không oán thán, để trau rồi đức hạnh của mình. Ví dụ:
- Tô Vũ bị rợ hồ cầm giữ, bắt chăn dê ở quan ngoại trong mười năm, vẫn trung thành với Hán.
- Nguyễn Công Trứ khi bị biếm làm lính đi tiền quân hiệu lực, vẫn giữ được đức độ của bậc đại thần tri mệnh.
- Nguyễn Đình Chiểu, đã bị mù, lại gặp quốc biến, vẫn hăng hái tham gia kháng chiến.
Đó là những người trong hoàn cảnh khốn mà tâm không khốn, vẫn vui vẻ làm hết nhiệm vụ mình. ở quẻ này ta lại một lần nữa thấy rõ tính cách tích cực của Nho học thủa xưa, gần giống như tinh thần Phật giáo: gian truân để tôi luyện chí khí, khổ cực để rửa sạch tội lỗi.
ĐOÀI QUÁI: thuộc Kim, gồm có 8 quái là:
Thuần Đoài - Trạch Thủy Khổn - Trạch Địa Tụy - Trạch Sơn Hàm - Thủy Sơn Kiển - Địa Sơn Khiêm - Lôi Sơn Tiểu Quá - Lôi Trạch Quy Muội.
Thiên Thời: Mưa dầm - Trăng mới - Sao.
Địa lý: Đầm ao - Chỗ ngập nước - Ao khuyết (dở hư) - Giếng bỏ hoang - Chỗ núi lỡ, gò sụt - Chỗ đất nước mặn không có cây cối.
Nhân vật: Thiếu nữ - Vợ hầu - Con hát - Người tay sai - Dịch nhân (người diễn dịch) - Thầy đồng bóng (phù thủy).
Nhân sự: Vui mừng - Khẩu thiệt - Dèm pha - Phỉ báng - Ăn uống.
Thân thể: Lưỡi - Miệng - Phổi - Đờm - Nước dãi.
Thời tự: Mùa Thu, tháng 8 - Năm, tháng, ngày, giờ Dậu - Năm, tháng, ngày, giờ thuộc Kim - Tháng, ngày số 2, 4, 9.
Động vật: Dê - Vật ở trong ao, hồ, đầm.
Tịnh vật: Kim, gai bằng vàng - Loài thuộc Kim - Nhạc khí - Đồ sứt mẻ - Vật vất bỏ, phế thải.
Ốc xá: Ở về hướng Tây - Ở gần ao hồ - Nhà vách tường đổ nát. Cửa hư hỏng.
Gia trạch: Chẳng yên - Phòng khẩu thiệt - Mùa Thu chiêm đẹp đẽ - Mùa hạ chiêm gia trạch hữu họa.
Hôn nhân: Chẳng thành - Mùa Thu chiêm khá thành - Có việc mừng - Thành hôn cát - Lợi gá hôn với thiếu nữ - Mùa Hạ chiêm bất lợi.
Ẩm thực: Thịt dê - Vật ở trong ao hồ - Thức ăn cách đêm - Vị cay nồng.
Sinh sản: Bất lợi - Phòng có tổn hại - Hoặc sinh nữ - Mùa Hạ chiêm bất lợi - Lâm sản nên hướng Tây.
Cầu danh: Nan thành - Vì có danh mà có hại - Lợi nhậm chức về hướng Tây - Nên quan về việc Hình - Võ chức - Chức quan coi về việc hát xướng - Quan phiên dịch.
Mưu vọng: Nan thành - Mưu sự có tổn - Mùa Thu chiêm có sự vui - Mùa Hạ chiêm chẳng vừa lòng.
Giao dịch: Bất lợi - Phòng khẩu thiệt - Có sự cạnh tranh - Mùa Hạ chiêm bất lợi - Mùa Thu chiêm có tài có lợi trong giao dịch.
Cầu lợi: Đã không có lợi mà có tổn - Khẩu thiệt - Mùa Thu chiêm có tài lời - Mùa Hạ chiêm phá tài.
Xuất hành: Chẳng nên đi xa - Phòng khẩu thiệt - Bị tổn thất - Nên đi về hướng Tây - Mùa Thu chiêm nên đi vì có lợi.
Yết kiến: Đi hướng Tây thì gặp - Bị nguyền rủa rầm rĩ.
Tật bệnh: Tật yết hầu, khẩu thiệt - Tật suyễn nghịch khí - Ăn uống chẳng đều.
Quan tụng: Tranh tụng không ngớt - Khúc trực chưa quyết - Vì việc tụng mà tổn hại - Phòng hình sự - Mùa Thu chiêm mà được Đoài là thể thì ắt đắc thắng.
Phần mộ: Nên hướng Tây - Phòng trong huyệt có nước - Mộ gần ao hồ - Mùa Hạ chiêm chẳng nên - Chôn vào chỗ huyệt cũ bỏ hoang.
Phương đạo: Hướng Tây.
Ngũ sắc: Trắng.
Tính tự (Họ, Tên): Tiếng thương (ngũ âm) - Người có họ hay tên đeo chữ Kim hay chữ Khẩu ở một bên - Hàng vị 2, 4, 9.
Số mục: 2, 4, 9.
Ngũ vị:Cay nồng.
Phần Bát Quái Vạn Vật kể trên, sự việc còn rất nhiều chẳng chỉ có như vậy mà thôi. Vậy phép chiêm, nên noi theo sự việc mà suy từng loại vậy.